Các phi hành gia ngủ trên không gian như thế nào?
Ngủ - một điều tưởng chừng đơn giản và có thể thực hiện dễ dàng dưới Trái Đất nhưng trong điều kiện không trọng lực trên vũ trụ thì lại biến thành điều chẳng đơn giản. Vậy các phi hành gia ngủ trên không gian như thế nào? Tiến sĩ Story Musgrave, một cựu phi hành gia từng có 6 tháng làm việc trên tàu vũ trụ trong một sứ mạng của NASA sẽ trả lời cho chúng ta câu hỏi đó.Một chiếc túi ngủ với dây bảo vệ cố định lại tại một vị trí
Tiến sĩ Musgrave chia sẻ: "Để dễ hình dung thì việc ngủ trên không gian cũng giống như cảnh tưởng ai đó đang ngủ cheo leo trên một vách đá: có rất nhiều dây đai an toàn. Người ta sẽ cung cấp cho bạn những chiếc túi ngủ, và đó là một chiếc túi ngủ chuẩn mực như bao chiếc khác chỉ trừ việc nó có thêm hàng tá dây đai để giữ cố định đầu và các cánh tay của bạn lại."
Sàn là trần và trần cũng là sàn
Cựu phi hành gia NASA, tiến sĩ Story Musgrave là người sẽ giúp chúng ta hiểu được ngủ trên không gian sẽ như thế nào?
Tuy nhiên ông cho biết không phải ai cũng có thể thường xuyên lên vũ trụ, mỗi khoảnh khắc trên đó đều quý giá nên tại sao phải ngủ một cách thoải mái giống như bên dưới Trái Đất? Ông chia sẻ: "Khu vực ngủ trong khoang tàu cũng phân biệt trần và sàn. Những người bạn của tôi chọn cách ngủ dưới sàn bởi lẽ nó sẽ thoải mái hơn, phù hợp với việc định hướng và cảm nhận những thứ xung quanh. Ngược lại, tôi chọn ngủ trên trần. Tại sao vậy? Chỉ có trên không gian thì mới có thể ngủ trên trần nhà thôi."
Việc ngủ trên trần nhà nghe có vẻ hơi ngược đời nhưng Musgrave cho rằng đó chỉ là quan điểm có thể thay đổi. Ông cho biết: "Toàn bộ thế giới đều quay ngược lại. Đối với tôi, tôi vẫn đang nằm dưới sàn còn các đồng nghiệp khác đang nằm trên trần. Đấy. Toàn bộ vấn đề chỉ phụ thuộc vào quan điểm."
Có thể trôi tự do khi ngủ mà không bị đánh thức bởi các va chạm
Việc giữ chặt lại trong lúc ngủ là có lợi cho các phi hành gia, nhưng Musgrave vẫn muốn tự tiến hành các thử nghiệm để đưa vấn đề đi xa hơn. "Tôi nghĩ cách thiết thực, cuối cùng là được trôi tự do bồng bềnh khi ngủ. Bạn có thể nghĩ rằng việc đó khiến bạn dễ chạm vào những thứ gì đó trong lúc ngủ? Nhưng nếu bạn đang ngủ say thì di chuyển là rất chậm và va chạm cũng không đủ mạnh để đánh thức bạn dậy. Bất cứ nút điều khiển hoặc công tắc nào trên tàu vũ trụ đều được che lại để phi hành gia không thể vô tình chạm vào."
100% xương khớp trong cơ thể sẽ đạt điểm cân bằng, có thể cảm thấy mất hết tay chân khi thức dậy!
Phi hành gia Gregory C. Johnson đang nghỉ ngơi tại "điểm trung lập" sau một ngày làm việc trên tàu vũ trụ Atlantis.
Có một số hiệu ứng thú vị đối với vị trí cơ thể của phi hành gia khi họ ngủ trong không gian. Tay chân sẽ tự tìm về trạng thái thoải mái nhất ở điểm cân bằng giữa kéo dãn và uốn cong mềm mại. Điểm cân bằng hoàn hảo này được gọi là "điểm trung lập". Musgrave cho biết: "100% các khớp xương trong cơ thể, bao gồm tất cả các khớp ngón tay, ngón chân đều trở về điểm trung lập."
Dưới Trái Đất chúng ta cũng có thể tự trải nghiệm cảm giác ở "điểm trung lập" gần với trên không gian nhất bằng cách lặn xuống nước. Tất nhiên là sẽ rất nguy hiểm nếu bạn ngủ khi đang mặc đồ lặn và đang ở dưới biển, nhưng lần tới nếu đang đi bơi ở một chiếc hồ tương đối sâu, bạn chỉ cần cố gắng để tất cả cơ bắp trong trạng thái cân bằng mà bạn thấy thoải mái nhất thì đó cũng là cảm giác ngủ trong không gian.
Một cảm giác thú vị khác và có thể khiến một số người cảm thấy sợ khi ngủ trên không gian là bạn sẽ mất quyền điều khiển các chi. Do không có gường chống đỡ cơ thể, vừa ngủ vừa trôi bồng bềnh trong không gian, các phi hành gia sẽ bị mất toàn bộ phương hướng và sẽ cảm thấy như mất toàn bộ tay chân khi thức dậy. Tuy nhiên, nếu bạn sử dụng túi ngủ và được cố định lại thì cảm giác này sẽ không xảy ra.
Và Musgrave đã nghĩ ra một giải pháp để ngủ bồng bềnh mà không trải qua cảm giác đó. "Đôi khi tôi đeo một chiếc đai để giữ cho đầu gối tại vị trí của ngực. Điều này rất quan trọng khi ngủ trong tình trạng trọng lực bằng 0. Bằng cách này, các phi hành gia có thể cảm thấy thoải mái hơn khi ngủ trong tư thế của bào thai trong bụng mẹ."
Gần như không thể ngáy khi ngủ trên vũ trụ
Thêm một điểm thú vị khác, khoang ngủ của tàu vũ trụ rất yên tĩnh, thỉnh thoảng chỉ có tiếng máy móc và đặc biệt hơn, không ai có thể ngáy trong lúc ngủ. Có một yếu tố ảnh hưởng tới việc ngáy: phải có trọng lực kéo vùng họng sau hẹp lại, về phía sau khí quản và nằm tại luồng không khí thở. Luồng di chuyển của không khí sẽ làm cấu trúc này rung lên và phát ra tiếng ngáy. Nhưng nếu không có trọng lực, cấu trúc này không được tạo thành và các phi hành gia gần như không thể phát ra tiếng khi ngủ. Mặc dù trước đây vẫn có một số người có thể ngáy trong không gian nhưng trong chuyến đi của Musgrave, không có ai làm điều đó.
Ngủ bên cửa sổ với các vì sao xung quanh dù đó là ngày hay đêm - Mặt Trời mọc/lặn nhanh như đèn tắt/mở
Musgrave vẽ lên một cảnh tượng tuyệt đẹp khi bạn ngủ cạnh cửa sổ với các ngôi sao đang "ngắm nhìn" bạn. Ông chia sẻ: "Thật tuyệt vời khi được ngủ bên cửa sổ vào ban ngày mà vẫn có thể ngắm nhìn các ngôi sao. Đây có thể là một sự tuyệt vời khi ngủ trên vũ trụ. Nhưng vấn đề không dừng lại ở đó. Mặt Trời không hề mọc một cách chậm chạp, lười biếng như ở dưới Trái Đất. Trên không gian nó mọc nhanh đến mức báo động và nói một cách đơn giản, bạn sẽ cảm thấy nhanh như tắt đèn, mở đèn vậy."
Cuối cùng, Musgrave chia sẻ rằng dù sao đi nữa thì ông vẫn thích ngủ bên dưới Trái Đất hơn. Dù vậy, ông cho rằng đó hoàn toàn là nhu cầu sinh học. "Bạn được tiến hóa hơn 4 triệu năm để ngủ trong môi trường có lực hấp dẫn và ngủ trên một chiếc giường. Do đó, việc ngủ trong trạng thái không trọng lực hoàn toàn là một đặc ân."
No Comment to " Các phi hành gia ngủ trên không gian như thế nào? "